Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

Những thông tin “nóng” sau một tuần xử án Phạm Công Danh, Trầm Bê

Những thông tin “nóng” sau một tuần xử án Phạm Công Danh, Trầm Bê
Ông Phạm Công Danh, Trầm Bê trong phiên xử sơ thẩm giai đoạn 2 đại án ngân hàng.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Phạm Công DanhTrầm Bê và 44 bị cáo Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bắt đầu từ ngày 8/1 và dự kiến kéo dài hết ngày 7/2/2018.
Theo cáo trạng kết luận, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, nguyên chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh cần có tiền để sử dụng, nhưng không thể vay được trực tiếp tại ngân hàng VNCB nên Danh đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên ngân hàng VNCB và nhân viên thuộc tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tê các công ty đó vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV.
Đồng thời, dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng trên để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay, sau đó bị 3 ngân hàng trên thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB, với tổng số tiền là hơn 6.126 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền các công ty vay được từ 3 ngân hàng được Danh chỉ đạo sử dụng cho các mục đích của Danh. Do các công ty này làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ, ngân hàng VNCB thực hiện việc bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó dẫn đến ngân hàng VNCB bị thiệt hại hơn 1.626 tỷ.
Dưới đây là tổng hợp các nội dung chính sau một tuần xử án:
Các “đại gia” được triệu tập đồng loạt “cáo bệnh” không tới
Hai ngày đầu (8-9/1), HĐXX tiến hành các thủ tục kiểm tra căn cước 46 bị cáo và 200 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng.
Trong 200 người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng được triệu tập tới tòa, trong đó có bà Hứa Thị Phấn, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín, ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch BIDV, ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát và con gái Trần Ngọc Bích.
Sau một tuần xử án, các nhân vật nổi tiếng trên đều không tới tòa. Nếu như cha con ông chủ hãng nước giải khát Number One gửi đơn xin vắng vặt và ủy quyền cho người khác tham dự thì hai đại gia ngành ngân hàng đều gửi đơn xin vắng mặt vì bạo bệnh.
Trầm Bê: Không phục cáo buộc sai phạm
Ngày xét xử thứ 3 (10/1), ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch hội đồng tín dụng Sacombank khai tại tòa do quen biết Phạm Công Danh từ trước, nên khi Danh đề nghị được cho vay, Trầm Bê nói sẵn sàng đồng ý cho Danh vay nhưng phải có tài sản đảm bảo. Thứ nhất là bất động sản có giá trị cao, hai là bằng sổ tiết kiệm, thứ ba bằng các chứng thư bảo lãnh của ngân hàng.
Dù chủ tọa phiên tòa cho rằng theo quy định Luật TCTD, điều kiện đầu tiên và tiên quyết khi cho vay là phải có phương án vay vốn, phương án trả nợ ra sao, Trầm Bê cho rằng là tùy do nhận thức. Trầm Bê cho biết điều kiện cho vay là phải có tài sản đảm bảo, phải thu được vốn, phải có lợi nhuận.
Và ông cho biết với thời gian hơn 10 năm tham gia ngành ngân hàng, kinh qua vị trí Phó chủ tịch HĐQT đồng thời là Chủ tịch Hội đồng tín dụng ở 2 ngân hàng là Southernbank và Sacombank thì đều áp dụng như vậy.

 Ông Trầm Bê trong phiên tòa xử đại án ngân hàng giai đoạn 2 - Ảnh: Huyền Trâm.
Chủ tọa cho rằng nếu làm nghiệp vụ ngân hàng phải chấp hành đúng quy định. Phải xem xét phương án kinh doanh thực tế là gì, có khả năng trả nợ không. Trong trường hợp này Trầm Bê không quan tâm các điều kiện này. Trầm Bê khai do khi đặt điều kiện với Danh xong và dẫn xuống Phan Huy Khang là TGĐ Sacombank là người nắm nghiệp vụ vững. Phương án cho vay, khả năng trả nợ là do phía Khang phụ trách.
HĐXX nhận định, vì không quan tâm vấn đề khác, chỉ quan tâm có tiền gửi để bảo lãnh. Khi Khang báo lại Trầm Bê đã duyệt hạn mức tín dụng cao nhất là 1.800 tỷ bằng tiền bảo lãnh. Ông Trầm Bê khai chưa phục lắm. Bị cáo cho rằng luật không cấm, kể cả ngân hàng quốc tế cũng vậy. Giống như khách hàng thế chấp căn nhà khi vay, nếu khách không trả được thì ngân hàng thu nhà.
Trước tòa, ông Trầm Bê Bị khai thấy trách nhiệm của mình nhưng mong rằng sau này luật TCTD nêu cho rõ để người khác không rơi vào cảnh như bị cáo. Ông cho rằng mình bị trả giá quá đắt và không phục việc cố ý làm trái, nghĩ rằng đây là kinh doanh bình thường.
Luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh “vặn lại” bản luận tội của Viện Kiểm sát
Tại ngày xét xử thứ 4 (11/1), Luật sư Trần Minh Hải, bào chữa cho Phạm Công Danh đã “vặn lại” cáo buộc của Viện kiểm sát liên quan việc gửi tiền giữa VNCB và Sacombank, và việc cấp tín dụng không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo.
Trong cáo trạng, Viện Kiểm sát coi hành vi gửi tiền của VNCB tại Sacombank vi phạm các quy định của Thông tư số 01/2013 ngày 7/1/2013 sửa đổi bổ sung một số điều Thông tư 21/2013 ngày 18/6/2012 của Thống đốc NHNN quy định hoạt động cho vay, đi vay, mua bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các TCTD… quy định “TCTD không được thực hiện các hoạt động tiền gửi, nhận tiền gửi (trừ tiền gửi thanh toán và các giao dịch gửi tiền, nhận tiền gửi có kỳ hạn tối đa 3 tháng) tại TCTD kể từ ngày thông tư này có hiệu lực”.
Tuy nhiên tại tòa, sau các phần xét hỏi bị cáo Phan Thành Mai, nguyên TGĐ ngân hàng VNCB, bị cáo Phan Huy Khang, nguyên TGĐ Sacombank, đại diện cơ quan giám định NHNN cho thấy, việc gửi tiền giữa hai ngân hàng là không sai bởi hợp đồng tiền gửi là thanh toán không kỳ hạn, được quyền giao dịch mà không hạn chế bởi Thông tư 01 và Thông tư 21.
Theo đó, luật sư Hải cho rằng trang 91 cáo trạng có đưa ra điều luật này trong Thông tư 1 và Thông tư 21 làm cơ sở quy buộc Phạm Công Danh nên đề nghị HĐXX lưu ý và xem xét.


 Luật sư Trần Minh Hải, bào chữa cho Phạm Công Danh hỏi các bị cáo, đại diện cơ quan giám định NHNN để làm rõ một số cáo buộc thân chủ của mình - Ảnh: Huyền Trâm.
Ngoài ra, luật sư Hải còn làm rõ một vấn đề nữa ở trong cáo trạng liên quan tới việc cấp bảo lãnh cho VNCB dùng tiền gửi để bảo đảm cho các doanh nghiệp vay vốn tại Sacombank.
Trang 91 cáo trạng có nội dung kết luận các hành vi do không có tài sản bảo đảm nên việc cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm là vi phạm Nghị định 163 và Thông tư 28 về bảo lãnh ngân hàng.
Luật sư tiến hành hỏi đại diện Cơ quan giám định NHNN, liên quan cáo trạng buộc tội cho vay là phải có tài sản bảo đảm, việc cấp bảo lãnh không có tài sản bảo đảm là vi phạm liên quan tới Thông tư 28.
Luật sư viện dẫn Khoản 1, Điều 16, Thông tư 28, về bảo lãnh ngân hàng quy định, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và bên được bảo lãnh có quyền thỏa thuận áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm. Đại diện Cơ quan giám định NHNN trả lời là không nhất thiết là phải bắt buộc có tài sản bảo đảm.
Sở KHĐT Long An nhận sai sót khi cấp phép tăng vốn cho VNCB
Phiên xử thứ 5 (12/1), HDXX xét hỏi liên quan việc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Long An cấp phép tăng vốn lên 7.500 tỷ cho VNCB trái quy định.
Theo lời khai của Phan Thành Mai, thời điểm khởi tố vụ án (7/2014), NHNN đang tiến hành thẩm định quá trình tăng vốn của VNCB và chưa có văn bản xác nhận việc tăng vốn. Vì vậy, VNCB không được phép đổi đăng ký kinh doanh về vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế HĐQT ngân hàng này vẫn thực hiện nộp hồ sơ gửi lên Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Long An để thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 27. Mai khai thủ tục này do phòng hành chính VNCB thực hiện.

 Đại diện Sở KHĐT Long An tại tòa - Ảnh: Huyền Trâm.
Tại tòa, đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Long An (gồm 2 người) cho biết việc cấp phép giấy đăng ký kinh doanh lần 27 cho VNCB tăng vốn lên 7.500 tỷ thực hiện theo Điều 4, Nghị định 43.
Tuy nhiên, theo đại diện sở này thì đến 3/6/2014, NHNN Chi nhánh tỉnh Long An gửi Văn bản 367 của NHNN về việc đề nghị sửa giấy phép hoạt động theo vốn điều lệ của VNCB trở lại 3.000 tỷ. Sau khi xem xét thì sở đã thu hồi giấy phép điều chỉnh lần 27, phục hồi vốn của VNCB còn 3.000 tỷ.
Phía sở lý giải do mảng ngân hàng là mảng chuyên ngành nên Sở bị sai sót trong việc cấp đăng ký kinh doanh lần 27 cho VNCB.
Phạm Công Danh: "Sai phạm là do bị thúc ép"
Cũng trong phiên xử 12/1, khi chủ tọa hỏi Danh cáo trạng xác định hành vi của bị cáo để vay tiền BIDV có đúng không, Danh xác nhận là đúng nhưng bổ sung thêm là lúc đó NHNN yêu cầu phải tăng vốn, lúc đó thanh khoản ngân hàng yếu mà lại phải tăng vốn nên bối cảnh đó ép Danh phải sai phạm.
Phạm Công Danh khai, tại một cuộc họp do NHNN phía Nam chủ trì là lãnh đạo cơ quan thanh tra giám sát nhà nước, cụ thể là Đặng Văn Thảo yêu cầu Danh tăng vốn điều lệ cho VNCB từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng, còn việc tăng vốn điều lệ ra sao, như thế nào là do doanh nghiệp (VNCB) tự tính. Cuộc họp này có cả Mai và Khương.

 Phạm Công Danh khi dẫn giải tới tòa - Ảnh: Huyền Trâm.
Trả lời câu hỏi căn cứ, cơ sở nào mà cho là thúc ép, Mai khai, tại cuộc họp đó, ông Danh có trình bày 2-3 lần với NHNN rằng muốn chia nhỏ các lần tăng vốn điều lệ thành nhiều giai đoạn vì VNCB thời điểm đó gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, phía NHNN vẫn yêu cầu VNCB phải tăng vốn điều lệ theo phương án tái cơ cấu. Mai cũng khai cuộc họp là nội bộ nên không có văn bản.
Bổ sung ý của Phan Thành Mai, ông Danh cho biết cuộc họp có nhiều thành phần, dù không có văn bản nhưng có cơ sở. Theo đó, tại cuộc họp ông Danh rất nhiều lần xin giãn tiến độ nhưng NHNN yêu cầu tăng vốn là phải tăng vì VNCB đang âm vốn, đang lỗ. Danh trả lời với NHNN việc âm vốn không phải do ông gây ra mà từ đời cũ (nhóm cổ đông của bà Hứa Thị Phấn) nên Danh xin kéo dài thời hạn tăng vốn.
Ông Danh cho rằng hành vi theo cáo trạng xác định là đúng nhưng bị cáo mong HĐXX xem xét bối cảnh. Nếu NHNN không thúc ép thì không có việc này.
Em trai Phạm Công Danh khai không tham gia gói vay BIDV 4700 tỷ
Trong phiên xử cuối tuần (13/1), HĐXX tiến hành xét xét hỏi liên quan đến hành vi vay 4.700 tỷ tại BIDV trong đó có phần hỏi ông Phạm Công Trung, em trai bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Ngân hàng VNCB, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh.
Ông Trung cho biết ông Trung là Phó TGĐ VNCB, phụ trách nhân sự. Khi ông Danh bị khởi tố thì ông đã xin nghỉ làm việc tại tập đoàn. Về việc gói vay 4.700 tỷ tại BIDV, ông Trung khẳng định là không tham gia và không được mời tham gia. Lúc đó ngân hàng thiếu người và ông được giao phụ trách về nhân sự.
Ông Trung cũng khai việc thành lập Công ty Việt Trung hoạt động trong sản xuất trong lĩnh vực siêu thị. Ngoài ra còn có có công ty Hưng Việt nhưng công ty không ký hợp đồng nào mua vật liệu xây dựng nào. Còn với công ty Việt Trung thì thời điểm đó ông đang đi công tác nên ủy quyền cho người khác ký hợp đồng mua vật liệu xây dựng do có nhu cầu là xây siêu thị ở Quảng Ngãi. Ông cho biết đó là nhu cầu có thực, ông là người của VNCB và biết ngân hàng này có tham gia gói 4 nhà nên đã ký với Công ty Nhất Nhất Vinh hợp đồng khoảng 24 tỷ.
Tuy nhiên chủ tọa nhắc theo hồ sơ, chứng cứ thì Công ty Việt Trung của ông Trung có ký thêm 3 hợp đồng mua vật liệu xây dựng, do ông Tuấn ký (trước đó đã được ông Trung ủy quyền ký do đi công tác).
Giải thích về việc ông có đưa một số người đến sở để đăng ký thành lập công ty, ông Trung khai có thể ông là em của ông Danh và cũng thường qua lại thăm ông Danh nên họ biết ông. Theo ông Trung thì ông Danh nhiều lần nói với ông là cố gắng động viên anh em làm việc. Ai có thể mở công ty thì giúp đỡ họ và sau này cũng thuận tiện hơn cho công việc của tập đoàn.
Huyền Trâm/
bizlive.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét